Chọn đối tượng khách hàng 2
  • iconss-1 Khách hàng Cá nhân
  • iconss-2 Đại lý phân phối
  • iconss-3 Khách mua nguyên liệu

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ HÀ NỘI CẦN TRỢ LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Ngành nông nghiệp Hà Nội khẳng định, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Ngành nông nghiệp Hà Nội khẳng định, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường…

Đóng gói sản phẩm hạt hữu cơ tại Công ty cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti)

Ngành nông nghiệp Hà Nội khẳng định, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội cũng đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Do đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn nữa.
Nông nghiệp hữu cơ được Hà Nội được chú trọng ngay từ những năm 2008, nhưng phải đến năm 2018 khi có Nghị định 109 và các Tiêu chuẩn về Nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp Hà Nội mới phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, các mô hình nông nghiệp hữu cơ phát triển nhiều tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cái khó đối với trồng trọt hữu cơ là cần mất thời gian dài để chuyển đổi, cải tạo từ đất, từ tiểu vùng khí hậu cần thời gian từ 3 đến 5 năm mà cần làm đúng quy trình mới ra được sản phẩm hữu cơ.
Anh Lại Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) tại huyện Đông Anh (Hà Nội), một người rất tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ cho biết, nông sản Việt Nam vốn dĩ có chất lượng rất tốt nhưng sau một giai đoạn dài chạy theo sản lượng nên sử dụng nhiều hoá chất trong quá trình sản xuất; đồng thời, công nghệ thu hoạch và bảo quản chế biến còn hạn chế dẫn đến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ đó, anh quyết định lựa chọn làm nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ bắt đầu bằng việc xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ.
Để có thể phát triển được các vùng nguyên liệu hữu cơ, Hanuti khảo sát và lựa chọn các vùng đất ở vùng sâu vùng xa, nơi bà con dân tộc thiểu số vẫn đang thực hiện việc canh tác theo phương thức truyền thống, chưa hoặc sử dụng ít thuốc trừ sâu và phân bón hoá chất, chưa từng sử dụng thuốc diệt cỏ để liên kết sản xuất với bà con. Giai đoạn đầu việc liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu được thế nào là canh tác hữu cơ.

Chế biến sản phẩm hữu cơ nước trái cây mơ tại Công ty cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti)

Bằng kinh nghiệm làm việc gần 20 năm với người nông dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số, anh Thanh và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Hanuti đã kiên trì đào tạo, tuyên truyền để thay đổi thói quen canh tác của bà con. Để tạo lòng tin và hỗ trợ cho người dân có điều kiện gắn bó với công ty, Hanuti có chính sách hỗ trợ 1 phần giống ban đầu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Việc bao tiêu sản phẩm bắt đầu bằng việc ký kết hợp đồng 3 bên giữa Hanuti, người dân và UBND xã nơi có vùng nguyên liệu. Giá thu mua nông sản được thực hiện theo chính sách áp dụng giá sàn.

Khi giá thị trường xuống thấp, công ty sẽ vẫn thu mua nông sản của người dân với mức giá tối thiểu mà ở đó vẫn đảm bảo người dân có lãi.

Khi giá thị trường lên cao hơn mức giá sàn thì công ty luôn thu mua theo mức giá thị trường và đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì sẽ được mua ở mức giá tối thiểu bằng mức giá thị trường, và thường sẽ cao hơn khoảng 10%.
Với chính sách đó, hiện nay, Hanuti đã và đang phát triển các vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau gồm: vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại Cao Bằng đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế của châu Âu (EU), Mỹ (USDA/NOP), Nhật Bản (JAS); vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh và Thái Bình; vùng nguyên liệu mơ tại Bắc Kạn; vùng mận tại Sơn La; vùng sấu tại Hà Nam, Hà Nội.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) cho biết, vụ mùa năm 2021, hợp tác xã sản xuất hơn 40 ha lúa hữu cơ và được doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm ký hợp đồng liên kết thu mua với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường. Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, hợp tác xã còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây… hữu cơ. Hiện nay, sản phẩm gạo và đậu tương của hợp tác xã đã đạt 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Ngoài mô hình trồng lúa hữu cơ ở Đồng Phú, hiện nay huyện Chương Mỹ cũng đã phát triển thêm một số mô hình sản xuất lúa, rau, bưởi, dưa lưới….. hữu cơ rất hiệu quả tại xã Nam Phương Tiến và thị trấn Chúc Sơn.

Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ và cần có thời gian dài để cải tạo chất đất, nguồn nước… nên chi phí sản xuất cao. Do vậy, thành phố và Chính phủ cần định hướng quy hoạch để phát triển các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp. Song song đó, xây dựng chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định- ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội Hà Nội cho rằng, các sản phẩm sản xuất theo quy trình hữu cơ muốn vượt trội về năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế… cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn, gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sản xuất hữu cơ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao là định hướng của nông nghiệp Hà Nội.

Giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thành phố sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300-500ha cây trồng theo hướng hữu cơ; đến năm 2025 tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi, diện tích thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha…
Để tạo bước chuyển mới, hiệu quả cho nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần có quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với một số sản phẩm nông sản hữu cơ mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… cũng như cán bộ nông nghiệp các cấp của địa phương.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, bên cạnh những cơ chế chính sách thu hút người sản xuất, doanh nghiệp, cần có một chiến lược thị trường để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chỗ đứng vững chắc.

Nam Giang/TTXVN

Tham khảo bài viết gốc: Nông nghiệp hữu cơ Hà Nội cần trợ lực phát triển

sản phẩm được đề cập

Hạt khô

có thể bạn sẽ thích

Trong thị trường hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm hữu cơ thật sự chuẩn đôi khi gặp nhiều khó khăn. Không ít sản phẩm sử dụng các cụm từ "hướng hữu cơ," "theo hữu cơ," nhưng lại không hẳn đạt các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Hãy cùng Hanuti tìm hiểu cách nhận biết các sản phẩm hữu cơ "xịn" để trở thành người tiêu dùng thông minh nhé!
Từ vùng đất khô cằn xen lẫn đá sỏi, những hạt mầm của đậu tương đã mạnh mẽ vươn lên nhờ vào sự nuôi dưỡng của thiên nhiên và bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của những người nông dân. Tại các vùng nguyên liệu hữu cơ của Hanuti, đậu tương được ví như "hạt ngọc trên đá" – biểu tượng cho sự sống và sức mạnh bền bỉ từ thiên nhiên, kết tinh nên những sản phẩm dinh dưỡng tuyệt vời.