Chọn đối tượng khách hàng 2
  • iconss-1 Khách hàng Cá nhân
  • iconss-2 Đại lý phân phối
  • iconss-3 Khách mua nguyên liệu

Liên kết sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản

Ngành nông nghiệp Hà Nội đã phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn

Ngành nông nghiệp Hà Nội đã phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (Nông nghiệp xanh) là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ nhưng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… Với ưu điểm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có nhiều chất dinh dưỡng mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được ngành Nông nghiệp và nông dân quan tâm triển khai thực hiện và mở rộng diện tích, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng.

Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) là một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm mang thương hiệu Hạt dưỡng và đồ uống với thương hiệu Giọt lành. Để có thể phát triển được các vùng nguyên liệu hữu cơ, Hanuti khảo sát và lựa chọn các vùng đất ở vùng sâu vùng xa, nơi bà con dân tộc thiểu số vẫn đang thực hiện việc canh tác theo phương thức truyền thống, chưa hoặc sử dụng ít thuốc trừ sâu và phân bón hoá chất, chưa từng sử dụng thuốc diệt cỏ để liên kết sản xuất với bà con. Giai đoạn đầu việc liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu được thế nào là canh tác hữu cơ.

Theo ông Lại Ngọc Thanh –CEO của HANUTI:  Để tạo lòng tin và hỗ trợ cho người dân có điều kiện gắn bó với công ty, Hanuti có chính sách hỗ trợ 1 phần giống ban đầu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Việc bao tiêu sản phẩm bắt đầu bằng việc ký kết hợp đồng 3 bên giữa Hanuti, người dân và UBND xã nơi có vùng nguyên liệu. Giá thu mua nông sản được thực hiện theo chính sách áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường xuống thấp, công ty sẽ vẫn thu mua nông sản của người dân với mức giá tối thiểu mà ở đó vẫn đảm bảo người dân có lãi. Khi giá thị trường lên cao hơn mức giá sàn thì công ty luôn thu mua theo mức giá thị trường và đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì sẽ được mua ở mức giá tối thiểu bằng mức giá thị trường, và thường sẽ cao hơn khoảng 10%.

Với chính sách đó, hiện nay Hanuti đã và đang phát triển các vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau gồm: Vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại Cao Bằng đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế của Châu Âu (EU), Mỹ (USDA/NOP), Nhật Bản (JAS); vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh và Thái Bình; vùng nguyên mơ tại Bắc Kạn; vùng mận tại Sơn La; vùng sấu tại Hà Nam, Hà Nội.

Đảm bảo cho chuỗi liên kết bền vững

Ông Nguyễn Văn Anh – hộ dân thực hiện mô hình trồng ngô theo hướng hữu cơ tại Đông Anh cho biết: Khi tham gia mô hình ông được Công ty HANUTI  hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ vật tư, được tham gia chuỗi liên kết. Ông và gia đình đã có sự thay đổi về mặt nhận thức trong vấn đề canh tác trồng ngô; từ việc làm theo kinh nghiệm, lạm dụng hóa chất thuốc BVTV chuyển sang sản xuất có trách nhiệm…. từ việc sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai người đó làm chuyển sang hình thức sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm; từ việc sản xuất thiếu an toàn chuyển sang hình thức an toàn do đó bảo vệ được sức khỏe và nâng cao được hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ, chi phí đầu tư giảm đáng kể mà lại cho năng suất cao.

Sản phẩm của HANUTI  đều được sản xuất theo phương thức hữu cơ , Toàn bộ quy trình sản xuất, sử dụng 100% phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc phòng trừ sâu bệnh thảo mộc … Bên cạnh đó, Hanuti phát triển các dòng sản phẩm hạt bản địa, không biến đổi gien nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt nhất. Quy trình sản xuất đảm bảo  tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm: tất cả máy móc, công cụ dụng cụ khi tiếp xúc với sản phẩm đều được làm bằng inox 304; công nhân được tập huấn và tuân thủ quy trình sản xuất và đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh việc lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất. Hiện nay, xưởng sản xuất và hệ thống quản lý sản xuất của Hanuti đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng nhận cho nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu (EU), Mỹ (USDA/NOP), Nhật Bản (JAS).

Đại diện phòng Kinh tế, huyện Đông Anh cho biết: Thực hiện Đề án OCOP, huyện có một số lợi thế như các sản phẩm chất lượng thực sự, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá tốt, tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của các chủ thể đã rõ nét hơn, hướng đến mục tiêu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn OCOP.

Phó Chánh Văn phòng xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, Ông Nguyễn Văn Chí cho rằng:  sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải có vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp. Từ yếu tố đầu vào, đầu ra sản phẩm và quy trình, quy chuẩn sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò xuyên suốt. Thông qua đánh giá, xếp hạng sản phẩm để từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế, khó khăn; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm.

Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương khởi sắc.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)

sản phẩm được đề cập

Hạt khô

có thể bạn sẽ thích

Trong thị trường hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm hữu cơ thật sự chuẩn đôi khi gặp nhiều khó khăn. Không ít sản phẩm sử dụng các cụm từ "hướng hữu cơ," "theo hữu cơ," nhưng lại không hẳn đạt các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Hãy cùng Hanuti tìm hiểu cách nhận biết các sản phẩm hữu cơ "xịn" để trở thành người tiêu dùng thông minh nhé!
Từ vùng đất khô cằn xen lẫn đá sỏi, những hạt mầm của đậu tương đã mạnh mẽ vươn lên nhờ vào sự nuôi dưỡng của thiên nhiên và bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của những người nông dân. Tại các vùng nguyên liệu hữu cơ của Hanuti, đậu tương được ví như "hạt ngọc trên đá" – biểu tượng cho sự sống và sức mạnh bền bỉ từ thiên nhiên, kết tinh nên những sản phẩm dinh dưỡng tuyệt vời.