Với hai dòng sản phẩm Hạt Dưỡng và Giọt Lành, Hanuti phát triển các vùng nguyên liệu hạt đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế và vùng nguyên liệu trái cây theo hướng lựa chọn các loại trái cây là đặc sản bản địa được trồng ở những vùng sạch hoá chất.
Với niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp, anh Lại Ngọc Thanh đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp đầu tiên bằng cách trang bị kiến thức nền tốt nhất từ ngành kinh tế nông nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
Quá trình học tập và gắn bó với người nông dân, anh Thanh luôn đau đáu với câu hỏi tại sao Việt Nam có nhiều nông sản rất tuyệt vời nhưng ngoài cây trồng chủ lực, sản phẩm khác không thể vươn tầm? Các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã giúp cho cuộc sống người dân được cải thiện, nông thôn được thay đổi, nhưng chưa thật sự bền vững. Vì sao thành công không được duy trì sau khi dự án kết thúc? Câu trả lời là do thiếu yếu tố thị trường. Người dân được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật để trồng và tạo ra sản phẩm nhưng lại không thể tiêu thụ được.
Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) ra đời với mục tiêu xây dựng các thương hiệu nông sản, thực phẩm mạnh để có thể liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. HANUTI phát triển sản xuất, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng những nông sản quen thuộc nhất như đỗ, lạc hoặc các loại trái cây đặc sản tự nhiên nhưng với một phương thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, tiếp cận dựa trên mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Xưởng sản xuất của HANUTI đặt tại thôn Yên Hà, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sản phẩm chính của công ty là các thành phẩm được chế biến từ trái cây thành các loại siro mang thương hiệu “Giọt Lành” và các loại hạt như lạc, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh, ngô nếp, vừng trắng, vừng đen… được rang chín, tạo thành bột ngũ cốc mang thương hiệu “Hạt Dưỡng”.
Để phát triển vùng nguyên liệu, HANUTI đã khảo sát và liên kết với đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những người đang canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, chưa hoặc sử dụng rất ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất. Để tạo lòng tin với người dân, HANUTI có chính sách hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Công ty chủ động ký kết hợp đồng 3 bên giữa HANUTI, người dân và Ủy ban nhân dân xã, nơi có vùng nguyên liệu sản xuất. Giá thu mua nông sản được thực hiện theo chính sách áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường xuống thấp, HANUTI vẫn thu mua nông sản với mức giá tối thiểu, song khi giá thị trường lên cao thì HANUTI lại thu mua theo giá thị trường, đó là chính sách ưu đãi của HANUTI dành cho bà con nông dân.
Từ chính sách trên, HANUTI đã xây dựng chuỗi liên kết với nhiều vùng nguyên liệu sản xuất như: Vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại tỉnh Cao Bằng; vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh, Thái Bình; vùng nguyên liệu mơ tại Bắc Kạn; vùng nguyên liệu mận tại Sơn La; vùng nguyên liệu sấu tại Hà Nam… Sản phẩm của HANUTI được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Việc liên kết sản xuất đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, vừa tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc.
Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Lại Ngọc Thanh, Giam đốc HANUTI cho biết, mô hình hoạt động của Hanuti là xây dựng chuỗi giá trị từ việc liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân, sản xuất sản phẩm và bán hàng. Với hai dòng sản phẩm Hạt Dưỡng và Giọt Lành, Hanuti phát triển các vùng nguyên liệu hạt đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế và vùng nguyên liệu trái cây theo hướng lựa chọn các loại trái cây là đặc sản bản địa được trồng ở những vùng sạch hoá chất. Các nguyên liệu được đưa về nhà máy sản xuất. Hiện tại, Hanuti có hai nhà máy: 01 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt và 01 nhà máy chuyên sản xuát các sản phẩm siro trái cây. Các sản phẩm của Hanuti hiện đang được bán tại thị trường trong nước và đang trong quá trình đàm phán.
Chủ thương hiệu Hanuti cho biết thêm, từ hơn 6ha đã được chứng nhận hữu cơ của Mỹ (USDA), châu Âu (EU) và Nhật Bản (JAS), năm 2022, Hanuti đang phát triển và dự kiến đánh giá cấp chứng nhận hữu cơ cho hơn 30ha diện tích cây trồng đang chuyển đổi hữu cơ. Tại đây, các loại hạt bản địa của được công ty chú trọng phát triển gồm lạc đỏ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh, vừng đen.
Để có thể phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ một cách bền vững, Hanuti đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng để quy hoạch các thung lũng trồng cây hữu cơ. Các thung lũng được chọn đưa vào quy hoạch là những thung lũng đã được phân tích đất và đạt tiêu chuẩn đất canh tác hữu cơ và ở đó chỉ trồng các loại cây hữu cơ do Hanuti liên kết với người dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích đất canh tác hữu cơ tại Hà Quảng của Hanuti sẽ đạt 50ha.
Năm 2022, để đáp ứng nhu cầu tăng lên về nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, Hanuti đã khảo sát và mở rộng vùng trồng với các loạt hạt bản địa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các huyện Hoà An, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng. Dự kiến năm 2023, 2 vùng trồng này sẽ được đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích khoảng 20ha.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào, hiện nay Hanuti đang liên kết với các hộ dân tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để trồng các loại hạt như đỗ xanh, đỗ đen, lạc đỏ, vừng đen, vừng trắng và ngô nếp với tổng diện tích hơn 30ha. Đặc điểm của vùng nguyên liệu này là vùng đất bãi ven sông Hồng nơi có phù sa màu mỡ đang được người dân trồng dâu xen canh với các loại cây lấy hạt. Do người dân trồng dâu để lấy lá nuôi tằm trong khi con tằm lại rất nhạy cảm với các loại thuốc hoá học nên người dân hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu hoá học để phun cho dâu. Tận dụng lợi thế này, Hanuti đã liên kết với các hộ để chuyển đổi vùng trồng dâu xen canh các loại cây có hạt thành vùng sản xuất hữu cơ (chuyển đổi từ việc sử dụng phân bón hoá học sang phân bón hữu cơ). Dự kiến vùng nguyên liệu tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sẽ được đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ vào năm 2024.
Về việc cung cấp giống: Hanuti chỉ thực hiện việc cung cấp giống đối với những loại cây trồng chưa có sẵn tại địa phương. Việc cấp giống miễn phí trong vụ đầu tiên giúp người dân yên tâm và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Từ vụ thứ hai, người dân sẽ tự để giống để trồng cho vụ sau.
Về việc hỗ trợ kỹ thuật canh tác: Công ty tổ chức các khoá tập huấn về kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, nguyên tắc canh tác hữu cơ. Việc tập huấn không chỉ được thực hiện trên lớp mà còn được hướng dẫn cụ thể tại đồng ruộng giúp người dân nắm chắc các nội dung và thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, công ty luôn có nhân viên kỹ thuật giám sát và hỗ trợ cho người dân. Vì vậy, việc tuân thủ nguyên tắc canh tác hữu cơ được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhờ đó công ty đã có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Về việc bao tiêu sản phẩm: Công ty thực hiện việc thu mua sản phẩm với mức giá sàn. Khi giá sản phẩm trên thị trường xuống thấp, công ty sẽ mua sản phẩm với mức giá tối thiểu mà ở đó vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân. Trong trường hợp giá thị trường lên cao hơn mức giá sàn thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường. Đối với các sản phẩm hữu cơ thì giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường tối thiểu là 10%.
Xuân Nguyên
Tham khảo bài viết đầy đủ:
Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI): Liên kết chuỗi “giọt lành” với ước mơ đưa nông sản vươn xa